E-HEALTH – Y TẾ ĐIỆN TỬ & KHÁM BỆNH TỪ XA QUA GÓC NHÌN SOCIAL LISTENING

1.737 lượt xem

Trước ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, hành vi chủ động tìm kiếm, sử dụng các nền tảng y tế điện tử & khám bệnh từ xa của người dùng đã tạo đà cho các doanh nghiệp trong nhóm ngành này có cơ hội phát triển thương hiệu và thu hút số lượng lớn người dùng tìm đến.

Dựa trên định nghĩa về Y tế điện tử (E-health) và phạm vi dữ liệu thu thập  thảo luận liên quan đến chủ đề y tế trên mạng xã hội, YouNet Media sẽ tập trung chia sẻ góc nhìn Social Listening xung quanh: Các thương hiệu Chuỗi nhà thuốc có dịch vụ mua thuốc trực tuyến, Nền tảng chăm sóc sức khỏe, Nền tảng khai báo y tế & đăng ký tiêm vaccine online và Các Bác sĩ uy tín với người dùng mạng xã hội. Cùng YouNet Media khám phá!

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Y tế điện tử (E-health) hay Y tế số (Digital-Health) được định nghĩa ngắn gọn là việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc lập kế hoạch, quản lý và triển khai các dịch vụ y tế. 

 

 

Chuỗi nhà thuốc được thảo luận “sôi nổi” nhất mùa dịch: Pharmacity & Long Châu đứng đầu danh sách

Quy định giãn cách ở các thành phố lớn làm cho việc di chuyển đến các nhà thuốc để mua và trữ dược phẩm trở nên khó khăn, người dùng mạng xã hội có xu hướng tìm đến nhà thuốc uy tín có dịch vụ bán Online và giao thuốc tận nhà. Theo thống kê từ công cụ SocialHeat của YouNet Media, xu hướng thảo luận của người dùng trên mạng xã hội trong 1 tháng gần đây về “Chuỗi nhà thuốc” thu hút sự quan tâm khá lớn, khi có đến 22,345 lượt thảo luận liên quan. So sánh với thời điểm trước giãn cách, tổng thảo luận về các chuỗi nhà thuốc ghi nhận được trong 1 tháng vừa qua đã tăng gấp 3 lần.

 

 

Trong đó, Pharmacity (Chuỗi nhà thuốc tiện lợi) và Nhà thuốc Long Châu (chuỗi nhà thuốc thuộc FPT Retail) là hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội, thu hút gần 80% thị phần thảo luận – nhiều hơn hẳn số lượng thảo luận của 3 cái tên sau đó, lần lượt là: Nhà thuốc Trung SơnMedicare và Phano Pharmacy, cộng lại. Số liệu từ SocialHeat của Younet Media cho thấy, kết quả này đến từ việc các chuỗi nhà thuốc Pharmacity và Long Châu không chỉ rất tích cực tạo ra các hoạt động marketing trên Fanpage, mà còn liên tục cập nhật thông tin hữu ích, tương tác, giải đáp các thắc mắc của người dùng.

 

Nắm bắt nhanh nhu cầu tìm kiếm thông tin và mối bận tâm của người dùng, Pharmacity & Long Châu liên tục tạo ra các nhóm nội dung thu hút thảo luận như: cập nhật tin tức phòng chống dịch, chia sẻ kiến thức về vaccine,… Đồng thời, cả 2 liên tục triển khai các hoạt động marketing nhằm thu hút người dùng tương tác, có thể kể đến: Pharmacity với các chương trình ưu đãi mua sắm; hay Long Châu tổ chức minigame, chương trình CSR tặng 3,000 phần quà gồm thuốc và sản phẩm phòng dịch cho F0, F1 tự cách ly tại nhà.

 

 

Một điều thú vị được rút ra trong quá trình phân tích của YouNet Media đó là mặc dù chuỗi nhà thuốc An Khang – một thành viên của tập đoàn Thế Giới Di Động, có tới 116 cửa hàng trên cả nước, tuy nhiên đơn vị này vẫn chưa triển khai hình thức hỗ trợ người dùng mua thuốc trực tuyến.

Ngoài ra, MEDiCARE được định vị là nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực Chăm sóc Sức Khoẻ & Sắc Đẹp có nhiều cửa hàng ở các vị trí đắc địa. Định vị này giúp MEDiCARE được nhiều người biết đến với các sản phẩm phổ biến như: chăm sóc da, trang điểm, sữa tắm,…Tuy nhiên, việc chuỗi cửa hàng này cũng triển khai và đẩy mạnh ngành hàng thuốc khá đa dạng: kê đơn, không kê đơn, thực phẩm chức năng và một số trang thiết bị y tế phổ biến lại không được người tiêu dùng nhận thức rõ. Mùa dịch này cũng là cơ hội để MEDiCARE truyền thông rộng rãi về các sản phẩm thuốc quan trọng cần phải có trong tủ thuốc mỗi gia đình.

 

Thời gian giãn cách xã hội kéo dài đã thúc đẩy xu hướng mua sắm Dược phẩm trực tuyến phát triển nhanh hơn bao giờ hết. Loạt bài viết “hướng dẫn người dùng mua trực tuyến” hoặc “tư vấn mua thuốc online” từ các Chuỗi nhà thuốc nhanh chóng trở thành nhóm bài viết thu hút sự quan tâm, thảo luận lớn. Mặc dù vậy, số liệu thống kê cũng ghi nhận được không ít phản hồi tiêu cực của người dùng. Các phản hồi này hầu hết đến từ tình trạng quá tải của các Chuỗi nhà thuốc tại cả nhà thuốc online và hiệu thuốc truyền thống do nhu cầu tăng nhanh đột biến. Như điều tất yếu, khi các Chuỗi nhà thuốc quen thuộc với người dùng không đáp ứng nhanh được nhu cầu, đây chính là cơ hội cho các ứng dụng/nền tảng chăm sóc sức khoẻ có triển khai dịch vụ tư vấn, mua thuốc trực tuyến.

 

Tư vấn & khám bệnh từ xa – Cơ hội cho các nền tảng chăm sóc sức khỏe

Các nền tảng chăm sóc sức khoẻ như: Trang thông tin sức khỏe, Ứng dụng tư vấn trực tuyến, Hỏi đáp cùng bác sĩ, Nhà thuốc trực tuyến hay Khám bệnh từ xa trong 1 tháng trở lại đây đã thu hút được nhiều thảo luận hơn hẳn. Trong đó, những cái tên được quan tâm và thảo luận nhiều trên mạng xã hội lần lượt là: AloBacsi, Jio Health, eDoctor, AiHealth & Doctor AnyWhere với gần 5,000 thảo luận.

 

Nền tảng chăm sóc sức khỏe thời đại mới – Jio Health – tập trung vào dịch vụ bác sĩ thăm trực tuyến, khám tại nhà, phòng khám offline & nhà thuốc trực tuyến. Ưu điểm của Jio Health nổi lên trong đợt dịch lần này được nhiều phản hồi tốt từ người dùng đó là tốc độ xử lý đơn thuốc trực tuyến nhanh, giao hàng mau đến tay.

Ngoài ra, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng tại các thành phố lớn, việc đến khám tại các bệnh viện gặp nhiều trở ngại do giãn cách hoặc do tâm lý e ngại đến bệnh viện của người dùng. Chính vì vậy, khi cần được tư vấn, chẩn đoán nhanh, người dùng đã liên tục chia sẻ và gọi tên Jio Health như một trong những ứng dụng có dịch vụ tư vấn khám bệnh trực tuyến.

Một nền tảng khác đó là AloBacsi, mặt dù không có dịch vụ mua thuốc trực tuyến như Jio Health, tuy nhiên với ưu thế nhận diện từ tên thương hiệu được nhìn nhận là trang tin tức về sức khỏe, tư vấn trực tuyến & hỏi đáp cùng bác sĩ, AloBacsi dễ dàng thu hút được sự quan tâm, thảo luận của người dùng trong tâm điểm dịch bùng phát, dẫn đầu về số lượng người quan tâm trên mạng xã hội, chiếm gần 60% thị phần thảo luận.

Bằng việc liên tục cập nhật các hoạt động livestream tư vấn cùng bác sĩ với các chủ đề nổi bật: “Làm sao tăng sức đề kháng tại nhà”, “Xịt, rửa mũi xoang đúng cách để ngăn ngừa Covid-19” trên fanpage AloBacsi với 108,900 lượt followers và trên kênh youtube Video AloBacsi với 499,000 lượt subscribers, AloBacsi đã giúp nền tảng này thu hút thêm hàng loạt thảo luận và chia sẻ sôi nổi.

 

Được người dùng mạng xã hội nhận diện là startup công nghệ y tế, eDoctor sở hữu dịch vụ tư vấn sức khỏe, tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến, khám tại nhà & nhà thuốc trực tuyến. Trong 1 tháng vừa qua, eDoctor thu hút lượt quan tâm lớn khi công bố triển khai chương trình “Tư vấn sức khỏe trực tuyến tại nhà – không cần đi xa” bằng cách miễn phí toàn bộ các dịch vụ tư vấn với bác sĩ qua các hình thức: gọi video trực tiếp với bác sĩ, chat với bác sĩ, đặt câu hỏi gửi bác sĩ giải đáp. Với hoạt động ý nghĩa này trong mùa dịch, eDoctor đã thu hút được lượng lớn người dùng quan tâm và thảo luận tích cực.

Ngoài ra, hai đơn vị khác trong chùm thảo luận này được quan tâm ít hơn lần lượt là AiHealth – ứng dụng tìm Bác sĩ riêng hàng đầu tại Việt Nam & Doctor AnyWhere – cung cấp các giải pháp về y tế và chăm sóc sức khỏe. Điều này phản ánh các nỗ lực truyền thông của AiHealth & Doctor AnyWhere chưa được chú trọng đầu tư và đẩy mạnh trong mùa dịch này.

 

Bác sĩ uy tín – Kênh tương tác mang lại thông tin sức khỏe trực tuyến hữu ích mùa dịch

Trước các thông tin gây hoang mang về y tế và chăm sóc sức khỏe, người dùng đã bắt đầu chủ động tìm đến các bác sĩ uy tín như một kênh tham khảo đáng tin cậy để được tư vấn, cập nhật tin tức, hướng dẫn chuyên môn. Dựa trên số liệu thống kê và phân tích, YouNet Media đề xuất danh sách các bác sĩ đang tạo ra ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng mạng xã hội, giúp người dùng theo dõi và nắm bắt tin tức hữu ích về tình hình dịch bệnh, đồng thời thỏa mãn các tiêu chí:

  • Là các bác sĩ chuyên khoa có tầm ảnh hưởng trên MXH – lượng follower (người theo dõi) tối thiểu 30.000 followers.
  • Có lượng follower ổn định & chất lượng: mức độ active follower: >70%
  • Nội dung được hưởng ứng tốt: tương tác trung bình (avg.engagement) >500 (like + share + comment / post)
  • Chia sẻ các nội dung mang tính chuyên môn & khách quan
  • Không chia sẻ các chủ đề chính trị nhạy cảm

 

Theo số liệu phân tích bởi SocialLift – Nền tảng thống kê, đo lường, đánh giá influencer với dữ liệu lớn nhất Việt Nam sở hữu bởi YouNet Media, facebook của 10 bác sĩ trên đều có tỉ lệ followers còn hoạt động (active followers) với trên 80% và tỉ lệ tương tác (engagement score) khá cao.  Khi phân tích sâu, một điều khá thú vị đó là các bác sĩ này đều có tỉ lệ follower chủ yếu là nữ (>70%) và trong độ tuổi 25-34 (65%). Điều này cho thấy tỉ lệ người dùng mạng xã hội là nữ giới quan tâm đến chăm sóc sức khỏe gia đình nhiều hơn nam giới.

Nổi bật như profile của bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa nhiễm, nội thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1, người đi tiên phong và tích cực trong chia sẻ kiến thức về dịch bệnh, có tỉ lệ tương tác trên mỗi bài đăng trung bình là 12,500 tương tác.  Trong vòng 30 ngày vừa qua, profile bác sĩ đã thu hút hơn 1 triệu tương tác và tăng trưởng 157,098 người theo dõi.

 

Ứng dụng y tế quốc dân –

Nền tảng Khai báo Y tế & Đăng ký tiêm vaccine online

Để bảo vệ cộng đồng trước đại dịch COVID-19, các ứng dụng y tế quốc dân lần lượt ra mắt và trở nên quen thuộc với người dân như Bluezone, NCOVI, Sổ sức khỏe điện tử, Cổng thông tin tiêm chủng hay Tờ Khai Y tế.  Ngay từ khi mới ra mắt, các ứng dụng này luôn đứng đầu về số lượt tải trong danh sách các ứng dụng miễn phí phổ biến nhất.

Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Y tế đã triển khai “Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần – Bluezone”, đây cũng là ứng dụng đầu tiên được ra mắt & phổ biến nhất giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19, cập nhật tin tức về tình hình dịch bệnh hoặc khai báo y tế. Trong 30 ngày vừa qua, Bluezone đã ghi nhận hơn 18,000 thảo luận trên mạng xã hội.

Hưởng ứng tích cực với các ứng dụng y tế quốc dân, hầu hết phản hồi về các ứng dụng này đều được nhận xét là khá hữu ích và được cập nhật tin tức về tình hình dịch bệnh nhanh chóng. Đặc biệt khi thông tin người dùng có thể đăng ký lịch tiêm vaccine trực tuyến thông qua Sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng này lập tức được sự ủng hộ, quan tâm và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Bên cạnh các phản hồi tích cực, số liệu ghi nhận được các yếu tố “đồng bộ hóa”, “trải nghiệm chưa mượt mà” là điều gây trở ngại với người dùng.

 

 

Cơ hội nào cho các thương hiệu

đang cạnh tranh trong lĩnh vực y tế điện tử?

Sự tác động mạnh mẽ của đại dịch đã tạo động lực cho sự phát triển ứng dụng công nghệ cho y tế và thúc đẩy người dùng đã thay đổi nhận thức, tạo đà cho việc đón nhận và bắt đầu tự tìm kiếm các ứng dụng y tế điện tử. So với các đợt dịch trước, thảo luận về việc chủ động dự trữ tủ thuốc gia đình, tìm mua thuốc trực tuyến, sử dụng các dịch vụ khám bệnh từ xa hoặc tiếp cận các bác sĩ trực tuyến trên mạng xã hội đều ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ.

Qua bức tranh tổng quan về người dùng trên mạng xã hội liên quan đến chủ đề y tế điện tử & khám bệnh từ xa, có thể thấy giai đoạn giãn cách kéo dài là thời điểm vàng để các thương hiệu theo dõi & lắng nghe người dùng, hiểu rõ mối quan tâm và các xu hướng thay đổi nhanh từ chính khách hàng tiềm năng của mình. Từ các dữ liệu này, thương hiệu có thể triển khai một loạt hoạt động marketing thích hợp để tác động đến nhận thức người dùng, xây dựng hình ảnh thương hiệu và thúc đẩy doanh số:

  1. Kịp thời nắm bắt các phản hồi, lo lắng & xu hướng mới của người dùng: giúp doanh nghiệp đẩy mạnh các dịch vụ phù hợp với nhu cầu thay đổi nhanh của các khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó ghi nhận phản hồi tiêu về chất lượng và trải nghiệm sẽ là cơ sở để thương hiệu cải thiện dịch vụ hoàn thiện hơn.
  1. Hiểu rõ hành vi tương tác của người dùng và vai trò các kênh Online, giúp doanh nghiệp:
    • Tận dụng các thời điểm phù hợp để tổ chức các hoạt động truyền thông, xây dựng các nhóm nội dung phù hợp. Từ đó, gia tăng tương tác và cung cấp giá trị hữu ích với người dùng thông qua các trên fanpage, youtube, website, ứng dụng của thương hiệu.
    • Phân tích và hiểu rõ từng nhóm đối tượng follower đang quan tâm đến các bác sĩ uy tín, từ đó hoạch định và tổ chức liên kết đúng với các KOL trong ngành.
    • Xây dựng các chiến dịch CSR phù hợp giúp tạo tính kết nối cao về mặt cảm xúc và truyền cảm hứng cho người dùng.